Cà tím không chỉ là một loại thực phẩm được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mà đây còn là một vị thuốc trị bệnh hiệu quả...
1. Đặc điểm của cây cà tím
Cà dái dê tím có tên khoa học Solanum melongena L.
Thuộc họ Cà Solanaceae.
Cây cao 0,75 đến 2,5m, thân có gai, đôi khi không gai. Lá có gai và nhiều lông, phiến lá hình bầu dục hay thuôn dài, đầu nhọn, phía gốc tròn hay lệch, dài 8-15cm, rộng 4-8cm, cuống lá dài 2-4cm. Quả có hình dáng, kích thước và màu sắc rất thay đổi. Hạt nhỏ trắng hình đĩa.
Cây cà dái dê tím cho món ăn ngon, vị thuốc quý.
Cây được trồng khắp nơi để lấy quả làm thức ăn. Người ta còn dùng quả làm thuốc. Quả làm thức ăn hay làm thuốc thu hái như nhau. Rễ đào về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô cũng được dùng.
Trong quả cà tươi có tới 90% nước, rất ít protid (0-1,4%), chất béo còn ít hơn (0,05-0,10%). Người ta đã tìm thấy trong cà có acid cafeic, choline và trigonellin.
Màu tím của cà do các sắc tố anthoxynozit chủ yếu là chất violanin thủy phân thành hai phân tử glucoza, rhamnoza và ete p.cumaric của delphinidol.
2. Công dụng và liều dùng của cà tím
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm thức ăn, cà được trồng trong nhân dân làm thuốc lợi tiểu, thông mật, để phòng chứng xơ vữa động mạch (atherome) do tác dụng chống cholesterol, giống như công dụng của lá actiso.
Rễ cây, cuống ra quả sắc uống để chữa tiểu tiện ra máu, đi ngoài ra máu và lỵ ra máu. Hạt còn có tác dụng lợi tiểu.
Ngày dùng 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Cà dái dê tím có tác dụng lợi tiểu.
Theo BS. Phó Thuần Hương (y học cổ truyền), một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cà tím như sau:
Cà tím xào mã đề: Cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10g, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp.
Cà rửa sạch, cắt miếng, mã đề làm sạch; hành cắt khúc, gừng cắt lát; tỏi bỏ vỏ, cắt khô. Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm; rồi bỏ cà, mã đề vào trộn đều, bỏ muối và một ít nước vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn một lần, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ huyết áp.
Canh gà, cà tím: Gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng; cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm bỏ gà vào xào sơ.
Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn, có tác dụng tiêu thực tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp.
Giúp bỏ thuốc lá: Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện trong cà tím cũng có nicotin và thấy trong thí nghiệm, ăn 10g cà tím có hiệu quả tương tự như hút thuốc suốt 3 giờ. Vậy có lời khuyên khi thèm thuốc lá hãy ăn các món cà tím ngon lành mát bổ lại tránh được độc hại.
Phòng chống ban tía ở người già: Ở tuổi 60 - 70, người già thường bị trên mặt, tay có tình trạng ứ huyết nổi ban tía hay từng chấm, có khi phải nhìn kỹ mới thấy. Để khắc phục bệnh lý này nên ăn cà tím. Cà tím lại mềm nên người già dễ ăn, dễ tiêu.
Viêm phế quản cấp: Cà tím 500g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà cắt dọc dài. Gừng thái lát, tỏi nghiền trộn nước tương, dầu, muối, đường. Chưng cách thủy, có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm nhiệt.
Viêm gan vàng da: Dùng mấy quả cà tím thái nhỏ trộn với gạo nấu thành món cơm - cà, ăn liên tục nhiều ngày.
Bí đái: Dùng hạt sắc uống để lợi tiểu.
Táo bón: Dùng quả cà tím, hàng ngày lấy khoảng 100 - 200g nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.
Kiêng kỵ: Theo sách cổ cà tím tính rất lạnh, không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Người tạng hàn, hay đi ngoài lỏng khi cần dùng nên thận trọng hơn.
Xem thêm:
Hotline/Zalo: 0968 496 905